Loạt thông tin hạ tầng đã và đang xúc tiến triển khai tại Tp.HCM và khu lân cận, cùng với việc các Luật chính thức có hiệu lực từ 1/8/2024 khiến tâm lý nhà đầu tư “phấn chấn” hơn rất nhiều.
Trong buổi chia sẻ mới đây, anh Quang – một nhà đầu tư bất động sản lâu năm (hiện đang sinh sống tại Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) cho biết, hiện anh có một số bất động sản tại quận 9, quận Gò Vấp (Tp.HCM) và ở khu vực Nhơn Trạch, Long Thành, Cẩm Mỹ (Đồng Nai).
Vừa qua, khi thị trường Đồng Nai xuất hiện thông tin sân bay Long Thành đẩy nhanh tiến độ về đích và loạt hạ tầng được đầu tư mở rộng, bất động sản của anh đã có nhà đầu tư quan tâm hỏi mua. Dù mức giá chỉ nhích nhẹ so với lúc mua vào (cuối năm 2021) nhưng động thái hỏi mua cho thấy, nhà đầu tư đã quan tâm trở lại. Trước đó, anh rao bán nhiều lần nhưng không được. “Hiện tôi đã xoay được dòng tiền nên chờ thêm thị trường để bán ra với giá tốt hơn”, anh Quang chia sẻ.
Một trường hợp khác là anh T, cũng ngụ Tp.Thủ Đức (Tp.HCM) mới đây đã bán thành công một lô đất 54m2 với giá gần 3 tỉ đồng. Anh T cho biết sẽ tiếp tục chia dòng vốn và tái đầu tư vào các bất động sản tại khu ven Tp.HCM theo “sóng” hạ tầng. Tuy nhiên, để tìm được sản phẩm phù hợp giá tiền, khu vực tiềm năng tăng giá cũng không dễ dàng. Anh cùng nhóm bạn đang tìm hiểu một số khu vực có thông tin về sân bay, vành đai và cao tốc.
Vừa qua, thị trường phía Nam chứng kiến động thái đầu tư loạt dự án hạ tầng giao thông khiến bất động sản rục rịch theo. Vành đai 3 Tp.HCM đang xây dựng, vành đai 2 Tp.HCM khép kín các đoạn còn lại, vành đai 4 ấn định thời gian triển khai, cùng nhiều tuyến đường được mở rộng tại khu Tây và khu Đông Tp.HCM. Điều này khiến bất động sản khu vực Tp.HCM có thanh khoản trở lại.
Riêng với thị trường tỉnh, sân bay Long Thành đang là điểm nhấn hạ tầng lớn nhất ở giai đoạn này. “Sóng” đầu tư ăn theo sân bay đã rục rịch từ quý 1/2024. Một số dự án bất động sản cận kề sân bay đang nhận được sự quan tâm tốt hơn giai đoạn trước. Không chỉ đất nền, nhà phố mà phân khúc căn hộ cũng chộn rộn theo. Nhà đầu tư tìm mua đa dạng hơn, từ dân địa phương đến các khu vực lân cận như Tp.HCM, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu; một số nhà đầu tư phía bắc…
Mới đây, UBND huyện Long Thành (Đồng Nai) đã bàn giao toàn bộ 100% mặt bằng cho chủ đầu tư 2 tuyến giao thông kết nối sân bay Long Thành. Đồng thời, công tác tái định cư cho người dân vùng dự án cũng cơ bản hoàn thành. Sau khi tiếp nhận mặt bằng, các đơn vị đang tăng tốc thi công gói thầu 2 tuyến giao thông kết nối. Hiện sân bay Long Thành đã lên hình hài rất rõ. Vừa qua, dự án đã huy động nguồn vốn gần 2 tỷ USD trong nước; các vướng mắc về vốn, mặt bằng, vật liệu đã được giải quyết. Điều này đã và đang tác động đến bộ mặt thị trường bất động sản khu vực cận kề sân bay.
Theo chia sẻ của một sàn giao dịch tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), mặc dù sức cầu chưa bùng nổ nhưng nhà đầu tư đã quan tâm đến thông tin môi giới đăng tải. Lượt khách đi thăm thực tế dự án tăng khoảng 40% so với thời điểm quý 1/2024. Trong đó, nhà đầu tư đến từ khu vực Tp.HCM chiếm khoảng 30-40% số lượng nhà đầu tư liên hệ.
Đại diện sàn này cho hay, thông tin hạ tầng, nhất là dự án sân bay Long Thành thực sự tác động tốt đến tâm lý nhà đầu tư. Các bất động sản cận sân bay đã tranh thủ thời điểm này để đẩy mạnh hoạt động giới thiệu, sự kiện mini hàng tuần, hay các chương trình nội bộ… để tìm kiếm khách hàng. Một số dự án căn hộ trước đó lượt quan tâm yếu hiện đã tăng sức cầu rõ nét.
Bên cạnh động thái của nhà đầu tư mới thì thông tin hạ tầng hiện hữu cũng khiến những nhà đầu tư đã bỏ tiền vào bất động sản tỉnh trước đó thêm niềm tin. Họ có tâm lý giữ hàng để chờ thị trường tốt lên, đặc biệt khi thông tin các Luật sửa đổi có hiệu lực sớm hơn 05 tháng đang tạo kì vọng cho nhà đầu tư về việc giá bất động sản có thể tăng lên trong giai đoạn tới.
Báo cáo của Savills chỉ ra, trong quý 1/2024, bất động sản tại các tỉnh vệ tinh như Đồng Nai, Bình Dương được hưởng lợi từ việc cải thiện cơ sở hạ tầng và trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Tp.HCM.
Ông Paul Tostevin, Giám đốc Savills World Research cho rằng, cơ hội đầu tư bất động sản gắn liền với đầu tư cơ sở hạ tầng. Mối liên hệ giữa nỗ lực giải ngân đầu tư vào cơ sở hạ tầng và sự phát triển bất động sản rất chặt chẽ. Các khu trung tâm kinh tế được kết nối tốt sẽ thu hút lao động tay nghề cao, tạo ra cơ hội kinh doanh tốt và tăng trưởng xã hội. Một dự án giao thông vận tải hoặc năng lượng được triển khai sẽ mang lại sự an tâm cho các nhà phát triển và nhà đầu tư bất động sản cá nhân, cho phép họ tiến hành các kế hoạch của mình.
Tuy nhiên, thị trường bất động sản cũng từng xảy ra hệ luỵ từ việc nhà đầu tư đón “sóng” hạ tầng. Nhiều nhà đầu tư gom bất động sản ngay từ khi mới chỉ có thông tin quy hoạch khiến giá bất động sản bị đẩy lên cao trong khi sự phát triển thực tế chưa tương xứng. Từ đó, nhiều khu vực rơi vào tình trạng phát triển “nóng” tràn lan, nguồn cung bất động sản hiện hữu dư thừa, vượt xa nhu cầu thực. Nhiều khu vực, hạ tầng đã hình thành nhưng chưa thực sự dẫn dắt được các nguồn vốn đầu tư xã hội và tạo ra sự phát triển bứt phá cho các địa phương.