(ĐN)- Nguồn nhân lực, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, phát triển thương mại dịch vụ, bảo vệ môi trường… là những thách thức lớn đã được chỉ ra đối với Đồng Nai tại Hội thảo chuyên đề “Cơ hội, thách thức đối với Đồng Nai sau khi Sân bay Long Thành đi vào hoạt động” được Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức vào ngày 30-8.
Tham dự và chủ trì hội thảo có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh; Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức. Cùng tham dự hội thảo có lãnh đạo HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, các hiệp hội, doanh nghiệp.
Mở ra “bầu trời” phát triển mới cho Đồng Nai
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, sau một thời gian dài đạt mức tăng trưởng cao, Đồng Nai đã có dấu hiệu chựng lại, kinh tế, xã hội của tỉnh đã phát sinh những “điểm nghẽn”, “nút thắt” cản trở sự phát triển.
Trong bối cảnh đó, Sân bay Long Thành, một trong 16 sân bay được mong chờ nhất thế giới hướng tới mục tiêu trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế được kỳ vọng sẽ mở ra một “bầu trời” mới để Đồng Nai phát triển, trở thành một trung tâm trung chuyển của cả khu vực.
“Sau khi đi vào hoạt động, dự án có thể đóng góp cho tăng trưởng GDP của Đồng Nai từ 3-5%” – Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức chia sẻ.
Cũng theo người đứng đầu chính quyền tỉnh, để phát huy lợi thế Sân bay Long Thành, tỉnh đã triển khai nhiều nhiệm vụ như: lập quy hoạch vùng sân bay, xây dựng hệ thống giao thông kết nối, quy hoạch hệ thống logistics khu vực vùng sân bay và vùng phụ cận sân bay… nhằm tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đánh giá về vai trò của Sân bay Long Thành đối với quá trình phát triển, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và thành viên Tổ tư vấn Chính phủ cho hay, Sân bay Long Thành sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề chiến lược cơ bản ở tầm quốc gia, tầm vùng chứ không chỉ riêng cho Đồng Nai trong bối cảnh đua tranh quốc tế ngày càng gay gắt.
Trong đó, có việc giúp giải quyết tắc nghẽn lâu nay là tắc nghẽn về hàng không, giao thông đô thị. “Chính vì vậy, đầu tiên, Sân bay Long Thành mang sứ mệnh giải quyết tắc nghẽn của quốc gia, kết nối vùng và kết nối Việt Nam với thế giới” – PGS-TS Trần Đình Thiên cho biết.
Cùng với đó, theo PGS-TS Trần Đình Thiên, trong thời đại tốc độ cao, toàn cầu hóa hiện nay, Sân bay Long Thành còn có sứ mệnh kết nối quốc tế để thay đổi vị thế phát triển của Việt Nam. Trong đó, Sân bay Long Thành tự nó phải trở thành một tọa độ để thực hiện đua tranh quốc tế của Việt Nam, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng Nai, nơi đặt Sân bay Long Thành là địa điểm chiến lược cho sự lựa chọn đó để hình thành một cấu trúc phát triển mới.
Phân tích về tác động của kinh tế hàng không đối với sự phát triển kinh tế địa phương, GS-TS Frank Fichert, đến từ Worms University of Applied Sciences (Trường đại học Khoa học ứng dụng Worms) của Đức lấy ví dụ Sân bay Munich. Theo đó, sau khi di dời và mở rộng, nâng công suất, tỷ trọng tác động kinh tế do Sân bay Munich tạo ra và ở lại với khu vực lân cận sân bay là 69% tổng giá trị gia tăng cùng 65% việc làm.
“Sân bay mang lại giá trị “vị thế” đắc địa cho khu vực lân cận, phù hợp mở công ty đổi mới sáng tạo, công ty du lịch, hội chợ thương mại” – GS-TS Frank Fichert cho hay.
Biến thách thức thành cơ hội
Thừa nhận Sân bay Long Thành khi đi vào hoạt động sẽ tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh, tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cũng cho biết, đến nay, Đồng Nai vẫn chưa nhận diện hết những thách thức, rủi ro cũng như cách nhìn chưa bao quát hết những vấn đề có thể phát sinh ngay sau khi dự án đi vào hoạt động để từ đó có giải pháp phù hợp để phát huy tiềm năng lợi thế.
Chia sẻ tại hội thảo, PGS-TS Trần Đình Thiên cho rằng, Đồng Nai sẽ đối mặt với các thách thức trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư, chương trình phát triển quy mô lớn để khai thác tốt tiềm năng từ Sân bay Long Thành.
“Các dự án đầu tư, chương trình phát triển có quy mô lớn, đẳng cấp cao nhưng lại cần tốc độ thực hiện nhanh. Trong khi nguồn lực của Đồng Nai còn hạn chế. Do đó, tỉnh cần những nhà đầu lớn với nguồn vốn lớn” – PGS-TS Trần Đình Thiên cho biết.
Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Thị Hải Hằng, Giám đốc Học viện hàng không Việt Nam cho rằng, Sân bay Long Thành cần rất nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao lại không thể thực hiện trong “một sớm, một chiều”. Do đó, nguồn nhân lực cũng là một trong những thách thức lớn với tỉnh khi Sân bay Long Thành đi vào hoạt động.
Tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cũng thẳng thắn chỉ ra 5 thách thức mà Đồng Nai sẽ phải đối mặt khi Sân bay Long Thành đi vào hoạt động là: nhân lực lao động chất lượng cao cho Sân bay Long Thành và nền kinh tế sân bay; hoàn thiện và kết nối hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị sân bay; phát triển các sản phẩm dịch vụ cho hoạt động bay; xử lý và kiểm soát vấn đề môi trường; an ninh kinh tế, phòng chống tội phạm công nghệ cao.
“5 thách thức này Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh phải có giải pháp, biện pháp hóa giải. Biến thách thức trở thành cơ hội và tiếp tục nhận diện những thách thức mới phát sinh trong quá trình phát triển để xử lý” – Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.