Cầu hơn 500 tỷ đồng nối 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương trước giờ thông xe

(Dân trí) – Sau 4 năm từ ngày khởi công, cầu Bạch Đằng 2 nối TP Tân Uyên (Bình Dương) với huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) sẽ khánh thành vào sáng 23/9, nối đôi bờ 2 tỉnh Đông Nam Bộ qua sông Đồng Nai.

Sau gần 4 năm xây dựng, cầu Bạch Đằng 2, nối huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) và TP Tân Uyên (Bình Dương) với tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng, dự kiến sẽ khánh thành vào sáng 23/9.

Công trình bắt đầu vào năm 2021, bao gồm phần cầu chính và đường dẫn với tổng chiều dài gần 3 km. Phần cầu dài hơn 400m, rộng 17m và có 4 làn xe.
Công trình bắt đầu vào năm 2021, bao gồm phần cầu chính và đường dẫn với tổng chiều dài gần 3 km. Phần cầu dài hơn 400m, rộng 17m và có 4 làn xe.

Nguồn vốn 500 tỷ đồng được chia đều cho hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương, trong đó mỗi tỉnh chịu 50% phần cầu chính. Phần đường dẫn sẽ được đầu tư từ ngân sách địa phương.

Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư, với nhà thầu thi công là liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Cienco 4 và Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư 492.

Trước lễ khánh thành một ngày, công trình cơ bản đã hoàn thiện. Các nhà thầu đang gấp rút dọn vệ sinh và hoàn thiện những hạng mục phụ còn dang dở.

Vào trưa ngày 22/9, nhóm công nhân đang thi công hạng mục taluy âm đường dẫn lên cầu phía tỉnh Bình Dương. Theo đại diện đơn vị thi công, công việc này sẽ hoàn thành trong ngày.

Ngày 2/9, cầu Bạch Đằng 2 đã thông xe kỹ thuật. Sau đó, chủ đầu tư rào chắn hai đầu cầu để tiếp tục thi công các hạng mục còn lại của đường dẫn, kẻ sơn và lắp biển báo giao thông.

Cầu Bạch Đằng 2 được thiết kế với 6 trụ chống va xô để đảm bảo an toàn khi sông Đồng Nai có lượng tàu, sà lan lưu thông mật độ cao. Các trụ chống va xô được xây dựng bằng khối bê tông chắc chắn.

Đèn cảnh báo trên cầu được sử dụng công nghệ năng lượng mặt trời nhằm tiết kiệm điện.

Sau khi hoàn thành, cầu Bạch Đằng 2 sẽ kết nối TP Tân Uyên (Bình Dương) với huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai), rút ngắn khoảng cách di chuyển giữa hai địa phương. Người dân lưu vực sông Đồng Nai sẽ có cơ hội thuận lợi để phát triển giao thương, đặc biệt là với các sản phẩm đặc sản như bưởi đường lá cam và bưởi da xanh.

Hạng mục trồng cỏ taluy âm đường dẫn lên cầu Bạch Đằng 2 phía tỉnh Bình Dương đang được gấp rút hoàn thiện trước giờ khánh thành.

Dự án cầu Bạch Đằng 2 còn giúp kết nối vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, sân bay Long Thành và các cảng biển lớn. Hướng di chuyển từ tỉnh Bình Phước về Vũng Tàu sẽ nhanh hơn khi có cầu Bạch Đằng 2.

Đường dẫn lên cầu Bạch Đằng 2 được trang trí bằng băng-rôn và cờ phướn dọc hai bên đường trước ngày khánh thành 23/9. Công trình này khánh thành trong dịp hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương tổ chức Hội nghị Công bố quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Dù nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với nhiều mối liên hệ về kinh tế và văn hóa, nhưng Đồng Nai và Bình Dương chỉ có hai cây cầu kết nối là cầu Đồng Nai trên quốc lộ 1A và cầu Thủ Biên. Cầu Bạch Đằng 2 là cầu thứ ba bắc qua sông Đồng Nai, kết nối hai tỉnh.

Bà Lê Thị Hải Yến, một người dân xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), chia sẻ: “Chúng tôi đã chờ đợi cầu Bạch Đằng khánh thành từ lâu. Trước đây, việc di chuyển qua TP Tân Uyên bằng đò ngang rất bất tiện. Nay có cầu mới, ai cũng vui mừng và phấn khởi”.

Theo quy hoạch, tỉnh Đồng Nai và Bình Dương dự kiến xây thêm 4 cầu mới bắc qua sông Đồng Nai và sông Bé để kết nối hai tỉnh, gồm: Hiếu Liêm 2, Tân An – Lạc An, Tân Hiền – Thường Tân, và Thạnh Hội 2.